Đại chiến Phì Thủy Tạ Huyền

Dù chưa chiếm được Đông Tấn nhưng Phù Kiên vẫn chiếm ưu thế, lấn được nhiều đất đai. Do đó vua Tần quyết tâm diệt hẳn Đông Tấn. Bất chấp sự can gián của triều thần, tháng 8 năm 383, Phù Kiên dẫn 90 vạn quân xuống phía nam. Cả đoàn quân Tiền Tần hùng mạnh hành quân kéo dài hàng ngàn dặm.

Tướng tiên phong của Tiền Tần là Phù Dung (em trai Phù Kiên) mang 27 vạn quân đi trước, tiến đến Dĩnh Khẩu[9]. Tháng 9 năm đó, Phù Kiên tấn công Hạng Thành[10]. Ngoài ra còn có các cánh quân Kinh châu tiến đến Uy Dương[11], cánh quân U châu và Ký châu tiến đến Bành Thành; quân từ Thục tiến vào Trường Giang, Hán Giang.

Tấn Hiếu Vũ đế quyết định cử Tạ An làm Đô đốc lo việc quân sự cả châu Dương, Tượng, Từ, Duyện, Thanh, kiêm thái thú Kiến Khang; Tạ Thạch làm chinh lỗ tướng quân; Tạ Huyền được phong làm Đô đốc tiên phong, dẫn 8 vạn quân ra đương đầu với quân Tần. Ngoài ra còn có tướng Hồ Lâm được lệnh mang 5000 quân thủy ra tiếp ứng ở Thọ Dương.

Tháng 10, tướng Tiền Tần là Mộ Dung Thùy đánh Vân Thành[12], Phù Dung tấn công Thọ Dương, áp sát Hiệp Thạch[13]; Lương Thành mang 5 vạn quân tiến vào Lạc Gián[14], chặn đường tiếp viện của quân Tấn cho Hiệp Thạch.

Trước thế mạnh của quân Tần, Tạ Huyền và Tạ Thạch dựng trại cách Lạc Gián khoảng 25 dặm, không thể tiến lên nữa. Tướng Tấn là Hồ Lâm phòng thủ Hiệp Thạch, lương thảo đã hết, liền viết thư cho Tạ Thạch cáo cấp tình hình. Phù Dung bắt được thư của sứ giả Đông Tấn, bèn báo lại cho Phù Kiên. Phù Kiên để lại phần lớn quân ở lại Thuận Thành, còn mình tự dẫn 8000 kỵ binh đến Thọ Dương.

Tạ Huyền và Tạ Thạch lo lắng. Phù Kiên sai hàng tướng Chu Tự đến doanh trại của Tạ Huyền dụ hàng. Chu Tự sau khi thất thủ Tương Dương vẫn có chí theo Đông Tấn, bèn mang hết tình hình quân Tần báo cho Tạ Huyền. Tự còn khuyên Tạ Huyền:

Nếu để cho quân Tần đến đủ cả trăm vạn thì khó lòng phá nổi. Hãy nhân khi quân nó chưa đến đông đủ mà tấn công thì mới có thể thắng được.

Tháng 11 năm đó, Tạ Huyền sai Lưu Lao Chi mang 5000 quân đến Lạc Gián. Quân Lưu Lao Chi đến cách Lạc Gián 10 dặm thì bị quân Tần chặn lại. Lao Chi dũng cảm cho quân vượt sông, đánh bại quân Tần. Quân Tần thua chạy, chết đuối đến hơn 1 vạn người. Tạ Huyền lại phái quân thủy, lục đến tiếp ứng, đánh quân Tần thua to.

Phù Kiên đứng trên núi Bát Công thấy quân Tấn dũng mãnh bắt đầu lo lắng, bèn sai bộ tướng của Phù Dung là Kỳ Liệt mang quân đóng ở bờ bắc sông Phì Thủy. Tạ Huyền bèn sai sứ đến nói với Phù Dung rằng:

Ông là người tinh thông binh pháp, vậy lại dàn quân ngay mặt trước, như thế là có ý lưu lại đánh lâu ngày, không muốn thắng nhanh. Chi bằng hãy lui lại phía sau một ít để quân tôi qua sông, quyết một trận sống mái cho xong!

Phù Kiên muốn nhân lúc quân Tấn qua nửa chừng thì đánh úp nên chấp thuận đề nghị đó trong khi các tướng Tần phản đối. Phù Dung tán đồng ý kiến của anh, bèn hạ lệnh cho quân lui lại để chờ quân Tấn. Quân Tần đông, rút lui dần dần loạn đội hình. Hàng tướng Chu Tự cầm 1 cánh quân, nhân đó hô to:

Quân Tần thua to rồi!

Quân Tần nghe vậy hoảng loạn, tranh nhau chạy trốn, Phù Dung không ngăn lại được. Tạ Huyền thừa cơ thúc quân qua sông tấn công vào quân Tần. Quân Tần bị giết rất nhiều. Phù Dung ngã ngựa chết trong đám loạn quân.

Tạ Huyền thừa thắng đuổi theo quân Tần đến tận huyện Thọ, thu được rất nhiều khí giới và 10 vạn con trâu, bò, ngựa; sau đó lấy lại thành Thọ Xuân. Phù Kiên dẫn tàn quân chạy về Hoài Bắc.

Liên quan